Được Liên minh HTX Việt Nam giao nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn 30A, 135, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị HTX, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tư vấn đầu tư công nghệ sản xuất chế biến... giúp các HTX phát triển theo hướng bền vững. Sau gần một năm triển khai các hoạt động từ khảo sát, đánh giá nhu cầu đến tư vấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất chế biến...đến cuối tháng 11 năm 2019, Trung tâm KHCN&MT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ đối với 5 HTX thuộc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Gia Lai: Hỗ trợ HTX nông nghiệp Tân Tiến phát triển sản xuất cây mía HTX nông nghiệp Tân Tiến, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai được thành lập năm 2017 với 13 hộ thành viên chính thức và 40 hộ nông dân liên kết sản xuất. Hiện nay, HTX đang quản lý 450 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 150ha sản xuất mía đường và 300 ha sản xuất các loại cây hoa màu. HTX cung ứng dịch vụ đầu vào như giống, phân bón, làm đất, hướng dẫn sản xuất, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản lượng mía cho thành viên. HTX đã thực hiện liên kết với Công ty TNHH Thành Thành Công Gia Lai để bao tiêu 100% sản lượng mía cho bà con thành viên. Tuy nhiên, do ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn nên giá thu mua mía thấp hơn những năm trước, hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX và bà con nông dân giảm đi rõ rệt. Bà Lê Thị Quỳnh Trang - Giám đốc HTX chia sẻ “Huyện Ia Pa có đất đai, khí hậu phù hợp với trồng mía, bà con nông dân có kinh nghiệm sản xuất mía lâu năm. Vài năm trở lại đây, ngành mía đường của Việt Nam gặp nhiều khó khăn nên công ty thu mua giá thấp, lợi nhuận sản xuất không cao. Tuy nhiên, nhờ HTX đưa cơ giới vào sản xuất nên tăng năng suất cây trồng, chi phí sản xuất giảm do đó bà con sản xuất mía vẫn có lãi”.Bên cạnh đó, năm 2019, HTX nông nghiệp Tân Tiến đã thử nghiệm sản xuất 10 ha dược liệu và các loại cây ăn quả như ổi, cam, quýt, dứa ...để từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm bớt sự phụ thuộc vào cây mía. Đồng thời, HTX phối hợp với các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp (lá mía, cây đậu, bắp...) và chất thải chăn nuôi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Để giúp HTX nông nghiệp Tân Tiến phát triển sản xuất, phát huy tốt vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ thành viên, Trung tâm KHCN&MT đã tư vấn, định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho HTX, đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đa dạng ngành nghề, chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ đầu tư 01 máy cày Kubota 40GL để đồng bộ hóa hệ thống máy móc thiết bị phục vụ sản xuất mía của HTX và thành viên. Kon Tum: Hỗ trợ HTX dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đầu tư công nghệ sấy lạnh dược liệu Tỉnh Kon Tum với địa hình núi cao và khí hậu đặc biệt thuận lợi cho sản xuất các loại dược liệu quý như hồng đẳng sâm, đinh lăng, kỷ tử, các loại nấm... HTX dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông) ra đời thực hiện sản xuất, thu mua và chế biến các loại dược liệu quý góp phần tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho thành viên và bà con đồng bào dân tộc thiểu số. HTX dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông thành lập tháng 7 năm 2018 với 17 thành viên, thực hiện sản xuất 20 ha dược liệu và thu mua dược liệu của bà con dân tộc thiểu số chế biến ra các sản phẩm như rượu sâm, cao sâm, hồng đẳng sâm đóng gói...cung ứng ra thị trường. Năm 2019, HTX thực hiện thu mua toàn bộ dược liệu của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số với mức giá ổn định từ 100 - 120 nghìn đồng/ kg.Với đặc điểm khí hậu vùng núi cao nên lượng mưa quanh năm rất lớn, dược liệu HTX thu mua nếu không được phơi sấy khô sẽ bị nấm mốc, giảm chất lượng sản phẩm. Do đó, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) đã tư vấn, định hướng cho HTX đầu tư hệ thống nhà xưởng và máy móc thiết bị sơ chế, chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ đầu tư máy sấy dược liệu bằng công nghệ sấy lạnh đảm bảo dược liệu được sấy khô, không bị biến đổi chất, không làm giảm chất lượng sản phẩm. Hiện nay, HTX đã cung ứng ra thị trường các sản phẩm như cao sâm, hồng đẳng sâm sấy khô đóng gói, ngũ vị tử, các loại nấm như nấm lim xanh, nấm linh chi, nấm ngọc cẩu, chuối hột rừng... Huế: Đồng hành cùng HTX thổ cẩm xã Nhâm giữ gìn và phát triển nghề dệt Zèng Nghề dệt vải thổ cẩm (còn gọi là dệt Zèng) của người đồng bào dân tộc thiểu số Tà Ôi sinh sống phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế có truyền thống hàng trăm năm. Để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này, HTX thổ cẩm xã Nhâm ra đời, hình thành nên mô hình sản xuất gắn với thương mại tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống của người dân; đồng thời góp phần phát huy và gìn giữ văn hóa của người dân tộc. HTX được thành lập năm 2012 với 19 thành viên tham gia dệt vải thổ cẩm truyền thống. Sản phẩm của HTX được thiết kế với hoa văn vô cùng độc đáo, kết cườm tinh xảo. Nhà thiết kế áo dài Minh Hạnh đã sử dụng sản phẩm dệt Zèng cho bộ sưu tập áo dài trình diễn tại Festival Huế năm 2015 và đi trình diễn ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật, Pháp…. Điều đó đã khẳng định sản phẩm dệt của bà con đồng bào Tà Ôi vô cùng độc đáo, tinh xảo.Bà Lê Thị Kim Thoại, giám đốc HTX cho biết “Vải được dệt thủ công nên mỗi tấm vải phải mất khoảng 15 ngày mới xong, giá bán mỗi tấm vải từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Khi có đơn đặt hàng, HTX chịu trách nhiệm thiết kế mẫu mã và hướng dẫn cho thành viên dệt theo đơn đặt hàng của các nhà thiết kế. Sản phẩm của HTX được bán tại các quầy lưu niệm ở các khu du lịch, bán cho du khách nước ngoài”. Để giúp HTX tăng hiệu quả sản xuất, Trung tâm KHCN&MT và Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế đã định hướng cho HTX thực hiện dệt vải, cắt may thành phẩm như áo quần, mũ, khăn, túi xách, đồ lưu niệm....để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Năm 2019, HTX được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ dây chuyền thiết bị may mặc bao gồm 02 máy may công nghiệp, 01 máy thùa khuy, 01 máy đơm nút, 01 máy vắt sổ và 36 bộ khung dệt. Ngoài ra, Trung tâm KHCN&MT còn hỗ trợ HTX thêm 01 bộ máy vi tính, máy in giúp HTX có trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, kế toán. Phía Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ thêm nguyên phụ liệu sản xuất như cườm, đá, chỉ thêu...Tại buổi lễ bàn giao thiết bị hỗ trợ ngày 30/11, bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới đánh giá cao hoạt động hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế giúp HTX có đầy đủ máy móc thiết bị phát triển sản xuất theo hướng thị trường, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người dân tộc Tà Ôi, đồng thời tạo việc làm cho chị em với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện cuộc sống và nâng cao vị thế người phụ nữ trong xã hội. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc ổn định an ninh chính trị tại địa phương, phía huyện cam kết sẽ đồng hành cùng HTX, góp phần hỗ trợ HTX phát triển. Quảng Ngãi: Ứng dụng công nghệ sấy điện vào sản xuất thực phẩm HTX nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ được hình thành dựa trên 8 tổ hợp tác ở các thôn thuộc xã Ba Thành, huyện Ba Tơ với 15 thành viên chính thức và hơn 20 hộ thành viên liên kết. Vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng, cơ cấu tổ chức của HTX được thực hiện đảm bảo theo Luật HTX 2012. HTX tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng đặc sản rừng như: thịt trâu khô gác bếp, dệt thổ cẩm, dược liệu, mật ong rừng, ớt muối….Trong đó, có sản phẩm thịt trâu gác bếp, thịt trâu một nắng là đặc sản nổi tiếng của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi với chất lượng ngon được người tiêu dùng yêu thích. Hiện nay, HTX có tổng đàn trâu gần 200 con được thành viên chăn thả tự nhiên, HTX thực hiện giết mổ bán thịt trâu tươi và chế biến thịt trâu khô. Tuy nhiên, HTX chế biến theo hình thức thủ công, thịt trâu sau khi được giết mổ sẽ tách ra từng miếng nhỏ tẩm ướp gia vị, móc vào móc sắt, xông khói trên lò than. Quy trình chế biến thủ công không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công suất chế biến thấp khoảng 50 kg/ tháng. Tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2019, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tư vấn, định hướng cho HTX đầu tư nhà xưởng, dây chuyền công nghệ chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì mẫu mã, thực hiện truy xuất nguồn gốc và xin cấp chứng nhận ATVSTP của Sở Y tế để sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào hệ thống siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng…HTX được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ đầu tư máy sấy thực phẩm bằng điện thay thế chế biến thủ công, năng suất biến đạt khoảng 300kg/tháng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Quảng Nam: Hỗ trợ HTX Sâm Ngọc Linh xây dựng vườn ươm cây giống HTX Sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My được thành lập vào cuối năm 2018, có 09 thành viên đều tham gia sản xuất sâm Ngọc Linh. HTX định hướng phát triển nguồn giống sâm, cung ứng các dịch vụ sản xuất sâm cho thành viên và các hộ nông dân trên địa bàn huyện. Mới thành lập nên HTX còn thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Do đó, để giúp HTX phát huy được vai trò hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ HTX Sâm Ngọc Linh đầu tư các máy móc thiết bị xây dựng vườn ươm cây giống để đảm bảo được nguồn giống sâm tự nhiên tại địa phương, cung ứng cho thành viên và các hộ nông dân sản xuất. - Trần Hiền - Trung tâm Khoa học Công nghệ& Môi trường -