QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ “Hoa đào Phù Trì” CHO SẢN PHẨM HOA ĐÀO CỦA HUYỆN MÊ LINH, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu
Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể (sau đây gọi tắt là Quy chế) nhằm thống nhất công tác quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” (sau đây gọi tắt là nhãn hiệu tập thể) để đảm bảo chất lượng, danh tiếng, thúc đẩy phát triển thương mại cho sản phẩm trên thị trường, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoa đào trên địa bàn xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
- Phạm vi điều chỉnh: Quy định về nguyên tắc, nội dung, quy trình quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” được sản xuất trên địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
- Đối tượng áp dụng: Quy chế áp dụng đối với chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phù Trì), tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” cho sản phẩm hoa đào của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
- Quy chế này được áp dụng cho sản phẩm hoa đào được trồng trên địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm được quy định tại Điều 4 của Quy chế này. Những nội dung không được nêu trong Quy định này thì áp dụng theo các quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phù Trì. Nhãn hiệu tập thể được đề cập trong quy chế này là nhãn hiệu tổng thể, bao gồm phần hình và phần chữ, được quy định chi tiết tại Phụ lục 01 của quy chế này.
- Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phù Trì (Sau đây gọi tắt là Hợp tác xã).
- Thành viên Hợp tác xã: Thành viên Hợp tác xã trong quy chế này là tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia vào Hợp tác xã với tư cách là thành viên chính thức/ thành viên ghi danh theo quy định của Luật Hợp tác xã.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể: là văn bản do Hợp tác xã cấp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (gọi tắt là tổ chức, cá nhân) sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoa đào đáp ứng các điều kiện tại Điều 4, Điều 5 Quy chế này nhằm thực hiện quyền chủ sở hữu đối với nhãn hiệu tập thể gắn với tên địa danh được Nhà nước cho phép đăng ký bảo hộ.
- Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể: Là quyền gắn (in, dán, đúc, dập hoặc hình thức khác) nhãn hiệu trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể và giấy tờ giao dịch nhằm mua, bán và quảng bá, giới thiệu sản phẩm đó.
- Bản đồ khu vực địa lý: Là vùng sản xuất hoa được xác định theo bản đồ khu vực địa lý tương ứng với nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” được Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh xác nhận và đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm hoa đào được sản xuất trên địa bàn xã Kim Hoa, huyện Mê Linh.
Điều 4. Điều kiện để sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu tập thể
Sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” cần đáp ứng được các điều kiện sau:
- Là sản phẩm và/hoặc dịch vụ mua bán cây và hoa đào (sau đây gọi tắt là sản phẩm hoa đào)
- Sản phẩm hoa đào được sản xuất tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh trong khu vực Bản đồ xác định đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.
- Đáp ứng các tiêu chí về chất lượng theo bộ tiêu chí cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” được Hợp tác xã thống nhất ban hành.
Điều 5. Điều kiện về tổ chức, cá nhân được sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đáp ứng các điều kiện sau được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”.
1. Là thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phù Trì. Trong trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa phải là thành viên thì phải có sự đồng ý của chủ sở hữu và được chủ sở hữu kết nạp, ghi danh mới vào danh sách tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”.
2. Có hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh (mua bán) sản phẩm hoa đào.
3. Có đơn đề nghị Hợp tác xã để được sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 6. Quyền sở hữu, đăng ký, quản lý nhãn hiệu tập thể.
1. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phù Trì là tổ chức duy nhất đại diện cho các thành viên của Hợp tác xã thực hiện quyền chủ sở hữu và là tổ chức quản lý đối với nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”.
2. Quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” thuộc về tập thể, nhãn hiệu không được chuyển nhượng, chuyển giao, góp vốn dưới bất cứ hình thức nào. Mọi biến động đối với nhãn hiệu tập thể phải được báo cáo đến toàn thể thành viên, UBND xã Kim Hoa và Phòng Kinh tế huyện Mê Linh.
3. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng khi được Hợp tác xã ghi danh vào danh sách tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”.
Điều 7. Nguyên tắc quản lý nhãn hiệu tập thể
- Mọi thành viên đều được tiếp cận và sử dụng nhãn hiệu tập thể một cách công bằng và minh bạch.
- Nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” được quản lý theo nguyên tắc đồng thuận của các thành viên thông qua việc biểu quyết các quy định, quy trình quản lý nhãn hiệu tập thể.
- Nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” được quản lý theo hướng phát huy, khuyến khích tối đa tính chủ động, độc lập và tự nguyện của các thành viên trong việc sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể.
- Quản lý nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” đối với sản phẩm hoa đào trên cơ sở các Quy chế, Quy định được xây dựng dựa trên những điều kiện thực tế của các thành viên và yêu cầu trong quản lý sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đảm bảo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Điều 8. Nội dung quản lý nhãn hiệu tập thể
- Nguồn gốc sản phẩm “Hoa đào Phù Trì” phải là hoa đào được sản xuất tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (đúng với Bản đồ khu vực địa lý xác định đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ) và do chính các thành viên của Hợp tác xã sản xuất và/hoặc kinh doanh.
- Loại sản phẩm, chất lượng: Là sản phẩm hoa đào đáp ứng các tiêu chí về chất lượng theo tiêu chí sản phẩm hoa đào mang nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” do Hợp tác xã ban hành.
- Quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”: nhãn hiệu tập thể phải được các thành viên sử dụng đúng quy cách, màu sắc, kích cỡ, chất liệu trên sản phẩm hoặc bao bì, biển quảng cáo, tài liệu giao dịch hoặc các vật phẩm khác.
- Quảng cáo, phát triển sản phẩm: Hợp tác xã thống nhất công tác quảng cáo như cách cung cấp thông tin về sản phẩm, cách thể hiện biển hiệu, cách thể hiện của tờ rơi... Đồng thời, hợp tác xã khuyến khích các thành viên chủ động quảng cáo, phát triển sản phẩm để phát huy tối đa hiệu quả công tác quảng cáo đối với nhãn hiệu tập thể, nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của nhãn hiệu tập thể.
Điều 9. Sử dụng nhãn hiệu tập thể
- Nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” được gắn lên sản phẩm, bao bì sản phẩm; các giấy tờ giao dịch; các tài liệu quảng cáo, biển hiệu và các loại phương tiên khác để chỉ dẫn hoặc giới thiệu sản phẩm.
- Phương thức sử dụng NHTT có thể in nổi, in chìm, đính, cài, dán và các hình thức khác phù hợp theo một quy cách thống nhất.
Chương III
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của Hợp tác xã
- Quyền của Hợp tác xã
a) Xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến, sửa đổi, ban hành, tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai Quy chế này và các Quy định khác liên quan đến quản lý nhãn hiệu tập thể đến các thành viên trong Hợp tác xã.
b) Kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể.
c) Kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhãn hiệu tập thể.
d) Cấp, sửa đổi, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể theo quy định.
e) Xây dựng và ban hành các quy định về mẫu nhãn, bao bì, biển hiệu, lời quảng cáo liên quan đến nhãn hiệu tập thể.
f) Kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm về sử dụng nhãn hiệu tập thể của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc những tổ chức, cá nhân không được cấp Giấy chứng nhận, có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo Quy định này hoặc theo pháp luật.
g) Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển sản phẩm hoa đào mang nhãn hiệu tập thể lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế khác của hợp tác xã hoặc của địa phương.
h) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài địa bàn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm đối với nhãn hiệu tập thể.
i) Được quyền thu, chi các khoản phí sử dụng nhãn hiệu tập thể theo quy định pháp luật và có sự đồng thuận của người sử dụng.
2. Nghĩa vụ của Hợp tác xã
a) Xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, kế hoạch hằng năm để quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện Quy định này và có trách nhiệm thu thập các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định để tiến hành sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời.
c) Có nghĩa vụ xem xét, cấp, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” cho các thành viên theo quy định.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành sử dụng nhãn hiệu tập thể của các thành viên theo Quy định.
e) Tổ chức hoạt động in ấn, cung cấp nhãn hiệu nhãn hiệu tập thể để cho các thành viên trong hợp tác xã.
f) Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và phát triển hệ thống thương mại phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm của thành viên.
g) Tự mình phát hiện hoặc xác minh những trường hợp tố cáo đối với các hành vi xâm phạm nếu có và có các biện pháp kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các thành viên.
h) Có nghĩa vụ chi đúng các khoản thu (thu phí, thu khác) hợp lý theo quy định của Điều lệ hợp tác xã, đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính của Nhà nước và chịu sự kiểm soát, giám sát của các thành viên.
i) Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với Điều lệ hoạt động của hợp tác xã và quy định của pháp luật.
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng nhãn hiệu tập thể
- Quyền của người sử dụng
a) Quyền được chủ động sử dụng nhãn hiệu tập thể theo quy định sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể như gắn nhãn hiệu trên các sản phẩm của mình trong các hoạt động thương mại, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
b) Được quyền sử dụng đồng thời nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân cùng với nhãn hiệu tập thể trên sản phẩm.
c) Được quyền cung cấp các tài liệu về quản lý, sản xuất, thương mại và các tài liệu khác liên quan đến việc phát triển sản xuất hoa.
d) Được quyền giám sát các hoạt động quản lý, khai thác sử dụng nhãn hiệu của Ban giám đốc Hợp tác xã và các hoạt động sử dụng nhãn hiệu của các thành viên khác.
e) Được quyền tham gia, đề xuất các ý kiến liên quan đến việc quản lý, sử dụng, khai thác nhãn hiệu tập thể.
f) Quyền được yêu cầu gia hạn, bổ sung, sửa đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.
g) Quyền thông báo, yêu cầu hợp tác xã xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ và bảo vệ đối với sản phẩm của mình.
h) Được hưởng các lợi ích từ hoạt động đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã mang lại;
- Nghĩa vụ của người sử dụng
a) Tuân thủ Quy định về giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”.
b) Đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hoa đào mang nhãn hiệu tập thể theo đúng tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” do hợp tác xã công bố.
c) Sử dụng tem nhãn theo Quy định về sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang NHTT “Hoa đào Phù Trì” của hợp tác xã.
d) Không được tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, chuyển giao tem nhãn cho người khác sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào.
e) Chấp hành các hoạt động kiểm tra, giám sát của hợp tác xã về chất lượng sản phẩm, sử dụng nhãn hiệu, có nghĩa vụ hợp tác, giải trình khi có sự kiểm tra của hợp tác xã hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
f) Nộp phí sử dụng nhãn hiệu theo quy định (nếu có).
Chương IV
CẤP, CẤP LẠI, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN
QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 12. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đáp ứng các quy định tại Điều 4, Điều 5 Quy định này, có đơn đề nghị sử dụng nhãn hiệu tập thể (theo mẫu - Phụ lục 2) gửi hợp tác xã đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” theo quy định.
Điều 13. Những trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận
Những trường hợp sau đây không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”:
a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phải là thành viên hợp tác xã.
b) Là thành viên của hợp tác xã nhưng không lập và gửi hồ sơ đề nghị sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” theo quy định.
c) Sản phẩm không phải là hoa đào; hoặc là hoa đào nhưng không đúng chủng loại sản phẩm; hoặc là hoa đào đúng chủng loại sản phẩm nhưng không được sản xuất trong vùng bản đồ xác định đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.
Điều 14. Hồ sơ và trình tự đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể
- Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận được điền đủ thông tin, có chữ ký và được đóng dấu (nếu là tổ chức);
- Mẫu bao bì nhãn mác hiện đang sử dụng (nếu có);
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập - bản photo không cần công chứng (nếu là tổ chức, doanh nghiệp).
- Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận:
Hợp tác xã có trách nhiệm xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” theo các bước sau:
- Tiếp nhận bộ hồ sơ của thành viên có yêu cầu;
- Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn đề nghị hợp lệ của tổ chức, cá nhân yêu cầu, hợp tác xã phải hoàn thành các bước kiểm tra, đánh giá thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân yêu cầu;
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi có kết quả kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất/kinh doanh, hợp tác xã ra Quyết định về việc cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận cho người yêu cầu;
- Trong trường hợp cần sửa chữa, bổ sung hoặc từ chối cấp thì phải nêu rõ lý do thiếu sót cần sửa chữa, bổ sung hoặc từ chối bằng văn bản cho người yêu cầu và ấn định thời hạn cho người yêu cầu có quyền khiếu nại lại Quyết định từ chối của hợp tác xã;
- Vào sổ theo dõi và trao cho tổ chức, cá nhân yêu cầu 01 bản gốc.
Điều 15. Cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn Giấy chứng nhận
a) Giấy chứng nhận được cấp lại, sửa đổi hoặc bổ sung trong trong trường hợp bị mất, bị rách, bị mờ trong quá trình sử dụng.
b) Giấy chứng nhận được gia hạn trong trường hợp bị hết hạn theo quy định. Người sử dụng có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ gia hạn trước khi Giấy chứng nhận hết hạn 15 ngày.
c) Thời gian cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn là 5 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.
Điều 16. Thời hạn của Giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp, được gia hạn nhiều lần. Mỗi lần gia hạn thời hạn là 05 năm.
Điều 17. Hủy bỏ, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể
Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” bị hủy bỏ, thu hồi trong những trường hợp sau:
- Giấy chứng nhận cấp sai đối tượng, cấp không đúng cho sản phẩm theo quy định;
- Phát hiện người được cấp gian dối trong quá trình khai hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận;
- Người được cấp Giấy chứng nhận sử dụng Giấy chứng nhận sai mục đích, không đúng sản phẩm, chuyển nhượng Giấy chứng nhận cho người khác;
- Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tuyên bố từ bỏ quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể;
e) Người được cấp Giấy chứng nhận vi phạm Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể nhiều lần đã được nhắc nhở hoặc xử lý bằng các hình thức khác nhưng không sửa đổi.
Chương V
KIỂM TRA, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 18. Quy định về kiểm tra, kiểm soát
1. Ban Kiểm soát của hợp tác xã tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể, bao gồm các nội dung kiểm tra, kiểm soát sau:
a) Kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.
b) Kiểm tra, kiểm soát các hoạt động cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.
c) Kiểm tra, giám sát hoạt động thu, chi tài chính của hợp tác xã liên quan đến nhãn hiệu tập thể.
d) Kiểm tra, kiểm soát hoạt động liên quan đến sử dụng nhãn hiệu tập thể, ghi nhãn hàng hóa của các thành viên.
2. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát được tiến hành định kỳ, đột xuất theo kế hoạch hàng năm của Ban giám đốc hợp tác xã.
Điều 19. Hành vi vi phạm về sử dụng nhãn hiệu tập thể
Hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể là một trong những hành vi sau:
1. Gắn nhãn hiệu tập thể lên sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được hợp tác xã công bố.
2. Sử dụng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phải là thành viên của hợp tác xã.
3. Sử dụng nhãn hiệu, tem nhãn, bao bì sản phẩm không đúng với mẫu, quy cách, tiêu chuẩn theo quy định.
4. Tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho người khác sử dụng.
5. Thành viên của hợp tác xã bị khai trừ tư cách thành viên, bị thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu.
6. Có hành vi sửa đổi, tẩy xóa các thông tin trên Nhãn hiệu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng, sử dụng Giấy chứng nhận giả...
7. Tuyên truyền, phổ biến thông tin sai lệch, không đúng với quy định về sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể thể đến người tiêu dùng.
8. Không nộp lệ phí sử dụng nhãn hiệu theo quy định.
9. Thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng xấu làm tổn hại đến uy tín, danh tiếng của hợp tác xã, của thành viên khác cũng như nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ.
Điều 20. Nguyên tắc và hình thức xử lý
1. Mọi hành vi vi phạm Quy định phải được xử lý kịp thời, công khai, bình đẳng và theo đúng Quy định và phải được thông báo kết quả xử lý tới toàn thể thành viên của hợp tác xã.
2. Ngoài việc xử lý vi phạm theo Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Hình thức xử lý hành vi vi phạm Quy định
a) Giám đốc Hợp tác xã căn cứ vào mức độ vi phạm có thể áp dụng các hình thức từ nhắc nhở, cảnh cáo, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu và cao nhất là khai trừ tư cách thành viên của hợp tác xã.
b) Các hình thức xử lý vi phạm phải được thông qua Đại hội thành viên và phải được 2/3 số thành viên biểu quyết tán thành.
Điều 21. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
- HTX có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể theo quy định.
- Các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể phải được xem xét, giải quyết trên cơ sở Quy định này và Điều lệ hợp tác xã và pháp luật hiện hành.
- Trường hợp vụ việc phức tạp, nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết, hợp tác xã sẽ có văn bản đề nghị hoặc văn bản chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể phải tuân theo luật khiếu nại, tố cáo.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Sửa đổi, bổ sung Quy định
Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu phát sinh vướng mắc, thành viên hoặc các bộ phận trực thuộc hợp tác xã cần tổng hợp trình Ban giám đốc Hợp tác xã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Mọi bổ sung, sửa đổi Quy định phải được 2/3 số người sử dụng nhãn hiệu tập thể đồng ý và phải được thể hiện bằng văn bản.
Điều 23. Tổ chức thực hiện
1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể được cấp.
2. Ban Giám đốc Hợp tác xã, các bộ phận trực thuộc của hợp tác xã và các thành viên có trách nhiệm thi hành Quy định này./.
CHỦ TỊCH HĐQT KIÊM GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thế Lực
PHỤ LỤC 1
MẪU NHÃN HIỆU TẬP THỂ “HOA ĐÀO PHÙ TRÌ” VÀ QUY ĐỊNH SỬ DỤNG MẪU NHÃN HIỆU
- Mẫu nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” là nhãn hiệu tổng thể bao gồm phần hình và phần chữ như sau:
- Quy cách:
PHỤ LỤC 2
MẪU NHÃN HIỆU TẬP THỂ “HOA ĐÀO PHÙ TRÌ” VÀ QUY ĐỊNH SỬ DỤNG MẪU NHÃN HIỆU
PHỤ LỤC 3
Số đơn:____
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP QUYỀN SỬ DỤNG
NHÃN HIỆU TẬP THỂ “Hoa đào Phù Trì”
Kính gửi: ..........................................................................................
1. Tên tổ chức, cá nhân: ………………………………..........................................
2. Họ và tên người đại diện (nếu là tổ chức): .........................................................
3. Địa chỉ: ……………………………………………...……………....................
4. Điện thoại:…………....................………Fax :..................................................
ĐỀ NGHỊ CẤP QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
“HOA ĐÀO PHÙ TRÌ” CHO SẢN PHẨM HOA ĐÀO
- Loại hình sản xuất, kinh doanh liên quan tới Sản phẩm hoa đào
- Sản xuất
- Kinh doanh
CAM KẾT
Sau khi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho Sản phẩm hoa đào tôi/chúng tôi cam kết như sau :
1) Chấp hành nghiêm túc Quy định quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” cho sản phẩm hoa đào.
2) Tuân thủ Quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch vận chuyển và bảo quản sản phẩm mang nhãn hiệu “Hoa đào Phù Trì” do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phù Trì khuyến cáo và ban hành.
3) Đảm bảo đúng chất lượng, chủng loại Sản phẩm hoa đào mang nhãn hiệu tập thể.
4) Không thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”. Góp phần gìn giữ và phát triển danh tiếng, giá trị, hình ảnh thương hiệu của sản phẩm hoa đào mang nhãn hiệu tập thể của huyện.
Mê Linh, ngày ….. tháng ….. năm 20….
Chủ tổ chức/cá nhân
(ký tên, đóng dấu nếu có)